Power Apps là một thành phần của Microsoft Power Platform, giúp doanh nghiệp tự xây dựng các ứng dụng trên web và thiết bị di động để phục vụ kinh doanh. Hiện nay có tới 86% công ty thuộc danh sách Fortune 500 đang sử dụng Power Apps, chứng tỏ sự phổ biến rộng rãi của dịch vụ này. Vậy thực tế Power Apps mang lại lợi ích gì vượt trội so với các phần mềm viết ứng dụng cổ điển khác mà lại được ưa chuộng đến vậy?
1. Power Apps hoạt động như thế nào?
Power Apps giúp người dùng tự tạo các ứng dụng riêng để phục vụ cho nhiều mục đích đa dạng, chủ yếu là sử dụng để xây dựng quy trình hoặc giải quyết thách thức trong kinh doanh. Vì hoạt động trên nền tảng low-code hoặc không cần viết mã, nên việc thao tác trong PowerApps cực đơn giản và nhanh chóng, không cần bạn phải có kiến thức CNTT chuyên sâu như các nhà lập trình.
Bạn có thể tạo và chia sẻ ứng dụng cho web, thiết bị di động hoặc máy tính bảng thông qua canvas hoặc ứng dụng theo hướng mô hình. Cả hai phương pháp đều có những ưu điểm riêng.
- Các ứng dụng theo hướng mô hình: Sử dụng cách tiếp cận dựa trên dữ liệu. Thường dùng để tạo nhiều ứng dụng yêu cầu logic nghiệp vụ phức tạp. Hỗ trợ xây dựng các ER model (mối quan hệ thực thể) và quy trình kinh doanh, chăm sóc khách hàng.
- Ứng dụng canvas: Đơn giản và linh hoạt hơn. Thiên về thiết kế bố cục và trải nghiệm người dùng.
2. Những lợi ích khi sử dụng PowerApps
Dưới đây là thống kê về các lợi ích hàng đầu mà Microsoft Power Apps mang lại cho người dùng.
2.1 Tốc độ tạo ứng dụng nhanh chóng
Quá trình tạo ứng dụng trên Power Apps vô cùng nhanh chóng và có thể thực hiện theo nhiều cách:
- Sử dụng danh sách SharePoint Online hiện có hoặc các nguồn dữ liệu khác để tạo ứng dụng.
- Sử dụng canvas trống trong trình thiết kế Power Apps.
- Sử dụng các mẫu hiện có trong PowerApps Portal.
2.2 Giao diện mã thấp hoặc không cần viết mã
Giao diện web Power Apps bao gồm các hộp công cụ thiết kế và phát triển biểu mẫu ứng dụng thông qua GUI; cũng như tính năng điều chỉnh bố cục màn hình và thêm bớt các trường. Người dùng không cần phải mất thời gian viết code phức tạp.
Giao diện này cũng phù hợp rộng rãi cho nhiều đối tượng người dùng và nhiều mục đích. Từ việc viết ứng dụng nhanh chóng, đến việc cung cấp các điều khiển UX phức tạp, hoặc các công cụ dành cho developer như Azure DevOps và GitHub… Hỗ trợ cho cả công việc cá nhân lẫn cộng tác làm việc nhóm.
2.3 Tích hợp với dịch vụ của Microsoft và bên thứ ba khác
PowerApps được đánh giá là một nền tảng dữ liệu tích hợp mạnh mẽ và khả năng kết nối phong phú.
Power Apps nguyên bản bao gồm Microsoft Dataverse – nền tảng dữ liệu được quản lý đầy đủ được xây dựng trên Microsoft Azure. Dataverse cung cấp quy mô, độ tinh vi và bảo mật cần thiết để chạy khối lượng công việc nâng cao.
Ngoài ra, người dùng Power Apps có thể kết nối trực tiếp với nhiều nguồn dữ liệu. Các dữ liệu này sẽ được tập hợp chỉ trong một chế độ xem ở một ứng dụng.
- Hơn 400 trình kết nối với Microsoft, điển hình như Azure, Microsoft 365, Microsoft Dynamics 365…
- Kết nối với các dịch vụ khác của bên thứ ba (Salesforce, Adobe, Dropbox…).
Chưa hết, bạn cũng có thể sử dụng API REST để tạo trình kết nối riêng với bất kỳ dịch vụ nào khác theo ý muốn.
2.4 Tự động hóa quy trình làm việc và giải quyết thách thức kinh doanh
Nhìn chung PowerApps là công cụ xây dựng các giải pháp hữu ích để thay thế cho mọi quy trình làm việc kém hiệu quả của doanh nghiệp.
Thúc đẩy tự động hóa
PowerApps vốn là một phần của nền tảng Power Platform nên có thể dễ dàng truy cập vào Power Automate và kích hoạt công cụ quy trình làm việc, thúc đẩy tự động hóa quy trình như thông báo, phê duyệt tài liệu,… Giúp cắt giảm thời gian thực hiện các tác vụ thủ công, tập trung vào những đầu việc quan trọng khác nhằm nâng cao hiệu quả lao động.
Giải quyết các thách thức trong kinh doanh
Nếu không tự tạo được quy trình, PowerApps có thể cung cấp các giải pháp để giúp doanh nghiệp giải quyết những thách thức nan giải. Ví dụ:
- Nắm bắt và chăm sóc khách hàng tiềm năng để phục vụ bán hàng: Trao quyền cho nhân viên bán hàng tự quyết định mà không cần quay về văn phòng để xin phê duyệt. Hỗ trợ thu thập thông tin khách hàng bằng máy quét danh thiếp.
- Tạo ứng dụng đăng ký sự kiện, để khách hàng tham dự tự điền thông tin đăng ký, sau đó thu thập thông tin chi tiết vào trong cơ sở dữ liệu nội bộ của doanh nghiệp.
- Tạo ứng dụng theo dõi chi phí, để nhân viên tự nhập các khoản thu chi và đính kèm hình ảnh hóa đơn/biên lai…
2.5 Bổ sung AI
Tính năng AI Builder của PowerApps cho phép người dùng bổ sung trí thông minh nhân tạo vào các ứng dụng nhằm thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.
PowerApps cung cấp các tính năng AI sau:
- Thu thập dữ liệu tự động từ hình ảnh bằng cách sử dụng nhận dạng ký tự quang học
- Phân loại danh mục
- Nhận dạng người đọc tài liệu
- Xử lý hóa đơn
- Trích xuất cụm từ khóa
- Phát hiện ngôn ngữ
- Xử lý biên nhận
- Phân tích cảm xúc
- Nhận dạng và dịch văn bản
- Bot chat tự động
2.6 Truy cập đa nền tảng và dễ triển khai
Đối với các nền tảng khác ngoài Power Apps, sản phẩm ứng dụng được viết ra phải được Apple hoặc Google đánh giá rồi mới có thể đưa lên cửa hàng Appstore/Google Play. Ngược lại, PowerApps giúp doanh nghiệp nhanh chóng xây dựng và triển khai ứng dụng và chia sẻ dữ liệu với môi trường bên ngoài.
Ngoài ra, người dùng có thể truy cập những ứng dụng này từ mọi thiết bị PC, điện thoại, máy tính bảng, thậm chí có thể thay đổi luân phiên mà không cần trải qua quy trình phức tạp nào.
2.7 An toàn, đáng tin cậy, toàn diện và dễ tiếp cận
Power Platform bao gồm cả PowerApps được đánh giá là đạt mức độ đáng tin cậy cao hơn hầu hết mọi nền tảng dữ liệu mã thấp khác, vì đảm bảo tới 99.9% thời gian hoạt động khả dụng, cũng như được hơn 90 chứng nhận về tuân thủ.
Đồng thời, đây cũng là nền tảng mã thấp toàn diện nhất thế giới, từ các ứng dụng, cho đến công cụ tự động hóa, phân tích, chatbots, tích hợp AI, xử lý khai tác và RPA… bộ công cụ mã thấp hoàn chỉnh này giúp PowerApps trở nên dễ tiếp cận với mọi đối tượng, từ khách hàng cho tới các nhân viên nội bộ và các kỹ sư phần mềm.
3. Chi phí sử dụng PowerApps là bao nhiêu?
Nếu doanh nghiệp đã đăng ký Microsoft 365 thì mọi người dùng đều sẽ có quyền tự động truy cập PowerApps. Tuy nhiên sẽ có một số giới hạn, nhất là không có trình kết nối cao cấp.
Để sử dụng toàn diện mọi tính năng và trình kết nối cao cấp của PowerApps thì Microsoft yêu cầu phải trả phí cấp phép theo gói người dùng, hoặc theo gói ứng dụng.
Tính tới cuối tháng 9/2021, phí cấp giấy phép PowerApps khá đắt đỏ. Tuy nhiên gần đây Microsoft đã công bố giảm giá xuống một mức thấp hơn đáng kể. Động thái này nhằm mục đích mở rộng thị trường người dùng Power Platform.
Theo đó, kể từ ngày 01/10, giá mua các gói PowerApps cho người dùng đã giảm từ $40/người/tháng xuống còn $20/người/tháng. Đồng thời các gói PowerApps cho ứng dụng cũng giảm từ $10/người/ứng dụng/tháng xuống $5/người/ứng dụng/tháng.
Mức giá này được xem là khá phải chăng, nên nhiều doanh nghiệp đã không còn phải đắn đo nhiều mà quyết định chi tiền để sở hữu ngay PowerApps.
Ngoài ra, Microsoft cũng bắt đầu cấp phép PowerApps cho người dùng dịch vụ đám mây Microsoft Azure bằng tùy chọn Pay-as-you-go (chỉ trả tiền cho những tính năng bạn sử dụng).
Chính sách thanh toán này tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc mua giấy phép theo gói người dùng, vì bạn không cần phải tốn tiền vào cả những tính năng cao cấp mà có thể chẳng bao giờ cần dùng tới.
Nhìn chung, Power Apps có thể là một lựa chọn lý tưởng cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ vì họ được hưởng lợi ích lớn từ công nghệ mã thấp. Với sự phổ biến ngày càng tăng của các ứng dụng dành cho thiết bị di động và chú trọng vào trải nghiệm người dùng thì đây sẽ là một dịch vụ hết sức hữu ích và hiệu quả mà bạn không nên bỏ qua.