Trong môi trường kinh doanh hiện đại ngày nay, công việc của nhân viên không chỉ gói gọn ở bàn làm việc tại văn phòng. Mà có thể thực hiện từ xa trên nhiều thiết bị cá nhân như máy tính bảng, smartphone, laptop… Để kiểm soát cách nhân viên sử dụng tài nguyên nội bộ của doanh nghiệp ở môi trường bên ngoài, đồng thời đảm bảo an toàn và bảo mật dữ liệu, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng Microsoft Intune.
1. Intune là gì?
Intune là một dịch vụ của Microsoft (hiện nay còn gọi là Microsoft Endpoint Manager), hoạt động dựa trên nền tảng đám mây, có chức năng quản lý các thiết bị di động (MDM) và các ứng dụng di động (MAM) đang truy cập vào dữ liệu công ty.
với Intune, các công ty có thể kiểm soát, đảm bảo mọi thiết bị và ứng dụng truy cập từ xa đều tuân tuân thủ các yêu cầu bảo mật, từ đó tránh nguy cơ bị đánh cắp thông tin, bảo vệ toàn vẹn các nguồn tài nguyên nội bộ.
2. Intune hoạt động như thế nào?
Intune vốn là một phần của bộ ứng dụng Bảo mật + Di động Doanh nghiệp (EMS) của Microsoft. Tính năng của Intune cũng được tăng cường khi được tích hợp với Azure Active Directory, Azure Information Protection, bộ sản phẩm Microsoft 365…
👉 Đối với mảng quản lý thiết bị di động, Intune hoạt động bằng cách sử dụng các giao thức hoặc API có sẵn trong hệ điều hành di động. Ví dụ như đăng ký thiết bị. Việc đăng ký sẽ giúp quản trị viên CNTT kiểm soát được lượng thiết bị đang truy cập các dịch vụ của công ty.
Một số tác vụ khác có thể kể đến như: Định cấu hình thiết bị di động, cung cấp chứng chỉ, Wi-Fi và hồ sơ mạng riêng ảo,…
👉 Đối với mảng quản lý ứng dụng di động, Intune được kết hợp với bộ ứng dụng Bảo mật + Di động Doanh nghiệp (EMS). Theo đó, nền tảng này sẽ hoạt động bằng cách cung cấp quyền truy cập an toàn, cho phép một đối tượng hoặc một nhóm đối tượng truy cập vào các dữ liệu cần thiết.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể dùng Intune để cài đặt các chính sách riêng nhằm kiểm soát các ứng dụng. Ví dụ: Không cho phép người dùng gửi email cho những người không thuộc cùng công ty.
Ngoài ra, khi nhân viên truy cập ứng dụng của công ty bằng các thiết bị bên ngoài văn phòng, nhiệm vụ của Intune là bảo mật dữ liệu doanh nghiệp, và tách biệt chúng khỏi dữ liệu cá nhân của nhân viên.
Nhìn chung, những tính năng này của Intune giúp mọi người trở nên linh động và làm việc thuận lợi, đồng thời thông tin nội bộ của doanh nghiệp vẫn được bảo vệ một cách an toàn.
3. Các tính năng và ưu điểm của Intune
Dưới đây là một số tính năng và ưu điểm mà khi doanh nghiệp có thể tận dụng khi lựa chọn Microsoft Intune.
3.1 Các tính năng của Intune
- Thực thi mã hóa dữ liệu
- Xóa dữ liệu từ xa
- Theo dõi thiết bị
- Phân phối ứng dụng
- Mật khẩu
- Kiểm kê thiết bị
3.2 Những ưu điểm nổi bật của Intune
So với nhiều phần mềm MAM và MDM khác, Intune của Microsoft được xem là dẫn đầu thị trường nhờ sở hữu những ưu điểm vượt trội hơn.
3.2.1 Truy cập vào các phần mềm lưu trữ tại chỗ (on-premise)
Hiện tại rất nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng máy chủ và phần mềm lưu trữ dữ liệu tại chỗ. Dù chúng có thể tăng độ bảo mật, nhưng vẫn là một thách thức lớn đối với nhân viên cần làm việc từ xa.
Khi sử dụng Intune kết hợp với cổng VPN hoặc proxy tiêu chuẩn (ví dụ: Microsoft Azure Active Directory Application Proxy), doanh nghiệp có thể cho phép các ứng dụng di động truy cập vào dữ liệu tại chỗ. Điều này vừa hỗ trợ nhân viên làm việc thuận lợi, vừa đảm bảo các dữ liệu nội bộ được an toàn, không bị xâm phạm.
3.2.2 Dễ dàng chuyển đổi dữ liệu sang đám mây
Intune vốn là một nền tảng dựa trên đám mây nên việc chuyển đổi dữ liệu sẽ hoàn toàn nhanh chóng và thuận tiện. Điều này đặc biệt giúp ích cho các doanh nghiệp đang di chuyển dữ liệu lưu trữ từ phần mềm tại chỗ lên đám mây. Đồng thời, nhân viên cũng sẽ có quyền truy cập an toàn vào các tài nguyên của công ty ở khắp mọi nơi.
3.2.3 Quản lý thiết bị tốt hơn
Với Intune, quản trị viên CNTT có thể toàn quyền kiểm soát mọi thiết bị mà công ty đang sở hữu, từ đó tăng cường độ bảo mật đến tối đa.
Tuy nhiên, đối với những nhân viên sử dụng thiết bị cá nhân riêng để làm việc, họ có thể không muốn nhượng toàn quyền kiểm soát cho người khác. Trong trường hợp này, Intune sẽ cung cấp nhiều tùy chọn phù hợp như: Đăng ký thiết bị với Intune, tùy chỉnh các chính sách bảo vệ ứng dụng để kiểm tra mức độ tuân thủ bảo mật khi cần thiết.
3.2.4 Quản lý ứng dụng an toàn
Tính năng quản lý ứng dụng của Intune áp dụng được cho cả thiết bị công ty và thiết bị cá nhân. Người dùng có thể thiết lập cấu hình cài đặt ứng dụng, theo dõi việc sử dụng ứng dụng, xóa dữ liệu của doanh nghiệp khỏi ứng dụng.
Ngoài ra Intune còn cung cấp các tính năng bảo mật nhiều lớp, vừa đảm bảo kiểm soát quyền truy cập trên thiết bị cá nhân, vừa tách biệt hoàn toàn dữ liệu của công ty với dữ liệu riêng của nhân viên.
3.2.5 Hỗ trợ chuyên môn CNTT
Intune được đánh giá là nền tảng tối ưu hóa hoạt động của quản trị viên CNTT. Ví dụ: Việc cho phép triển khai phần mềm trên mọi thiết bị đăng ký Intune giúp giảm tải nhu cầu xử lý từng thiết bị riêng lẻ trên một thời điểm. Từ đó giúp quản trị viên dễ dàng kiểm soát các bản cập nhật cho toàn bộ người dùng.
3.2.6 Giao diện tối ưu
Intune được Microsoft xây dựng trên một nền tảng toàn diện, an toàn, trực quan và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, đồng thời không tiêu hao nhiều tài nguyên của doanh nghiệp.
Công cụ này vừa giúp hợp lý hóa quy trình làm việc từ xa, đạt hiệu quả làm việc tốt hơn trên đám mây, vừa bảo vệ toàn vẹn dữ liệu của công ty.
3.2.7 Không cần cài đặt cơ sở hạ tầng CNTT
Khi có Intune, doanh nghiệp sẽ giảm bớt kế hoạch mua và duy trì phần cứng, cũng như các cơ sở hạ tầng khác, vì thiết bị di động có thể dễ dàng quản lý từ đám mây nhờ Microsoft Intune.
3.2.8 Hỗ trợ nhiều ngôn ngữ
Microsoft đảm bảo tính khả dụng của Intune với hơn 20 ngôn ngữ khác nhau, phục vụ cho lượng khách hàng lớn và đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
3.2.9 Hỗ trợ nhiều hệ điều hành di động
Intune có thể quản lý thiết bị di động của các hệ điều hành Windows, MacOS, IPadOS, Linux, Android, iOS, các thiết bị Windows Phone.
4. Chi phí sử dụng Intune là bao nhiêu?
Intune không tính phí dựa trên số lượng thiết bị quản lý, mà chỉ tính phí cấp phép theo đầu người. Vì thế trong một công ty, mỗi nhân viên được cấp phép dùng Intune có thể thoải mái làm việc trên nhiều loại thiết bị khác nhau.
Cơ cấu tính phí cấp phép của Intune cũng khá linh hoạt tùy theo đối tượng người sử dụng. Hiện tại, chi phí thấp nhất để sử dụng Intune là mua theo dịch vụ độc lập, tối thiểu $8/người/tháng.
Hiện tại Intune đang có sẵn dưới ba dạng chính:
- Dịch vụ độc lập trong Azure.
- Gói đi kèm với Microsoft 365:
- Microsoft 365 E5
- Microsoft 365 E3
- Enterprise Mobility + Security E5
- Enterprise Mobility + Security E3
- Microsoft 365 Business Premium
- Microsoft 365 F1
- Microsoft 365 F3
- Dịch vụ Quản lý thiết bị di động trong Microsoft 365 nhưng tính năng hạn chế hơn.
Ngoài ra, người dùng đã có tài khoản doanh nghiệp tại Microsoft cũng có thể trải nghiệm Intune bằng gói dùng thử miễn phí trong vòng 30 ngày. Hết thời hạn này, Microsoft sẽ tính phí cấp phép theo nhu cầu sử dụng của người dùng.
Khi công nghệ càng phát triển, công việc càng đòi hỏi sự linh hoạt thì những rủi ro về bảo mật dữ liệu lại càng tăng. Với Microsoft Intune, doanh nghiệp và các tổ chức có thể tạo điều kiện để nhân viên được tiếp cận tối đa với mọi nguồn lực và tài nguyên sẵn có, mà vẫn đảm bảo thông tin được an toàn theo các nguyên tắc tuân thủ và bảo mật.