Chuyển tới nội dung

Chứng chỉ SSL – Cổng bảo mật uy tín cho website doanh nghiệp

Nếu không có chứng chỉ SSL, trang web của doanh nghiệp sẽ mất đi rất nhiều lượt truy cập và lượng lớn khách hàng tiềm năng, đồng thời rất dễ bị tội phạm lập web giả mạo để đánh lừa người dùng và làm sụt giảm uy tín thương hiệu. Có thể nói SSL chính là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua khi thực hiện tiếp thị kỹ thuật số. Vậy chứng chỉ SSL là gì, có lợi ích ra sao?

Chứng chỉ SSL là gì mà mọi website đều không thể thiếu?

1. Chứng chỉ SSL là gì?

SSL là viết tắt của Secure Sockets Layer, là một giao thức bảo mật toàn cầu, tạo ra liên kết được mã hóa giữa máy chủ (host) và trình duyệt web (client); đồng thời xác thực danh tính của website. 

Khi một trang web có chứng chỉ SSL, điều đó có nghĩa là kết nối internet tới web này đảm bảo riêng tư, an toàn, ngăn tội phạm an ninh mạng giả mạo, đọc lén hoặc sửa đổi dữ liệu được truyền giữa hai bên. 

Để nhận biết một trang web có đang được SSL bảo vệ hay không, chỉ cần nhìn lên thanh địa chỉ, nếu bên trái URL có biểu tượng ổ khóa đóng thì nghĩa là phiên truy cập của bạn đã được bảo mật. Ngoài ra, trên URL sẽ xuất hiện từ viết tắt “HTTPS” (HyperText Transfer Protocol Secure). Nếu không có SSL thì URL chỉ bắt đầu bằng “HTTP”.

Được xem là một tiêu chuẩn của công nghệ bảo mật, mã hóa, hiện nay trong tiếp thị kỹ thuật số, SSL là một trong những tiêu chí không thể thiếu để tối ưu SEO, bởi Google đã thông báo đây sẽ là một yếu tố để xếp hạng website. Như vậy, khi người dùng tìm kiếm từ khóa, trang web có chứng chỉ SSL sẽ được ưu tiên thứ hạng cao hơn so với trang web cùng loại nhưng không có SSL. 

2. SSL hoạt động như thế nào?

Nguyên tắc hoạt động của SSL là đảm bảo mọi dữ liệu được truyền giữa máy chủ web và trình duyệt web được bảo mật, không thể đọc lén. Quá trình này được thực hiện bằng cách dùng thuật toán mã hóa để xáo trộn dữ liệu đường truyền, ngăn không cho tin tặc đọc được trong quá trình kết nối. Trong số các dữ liệu này có cả những thông tin nhạy cảm của người dùng như: họ tên, địa chỉ, thẻ tín dụng, mật khẩu… 

Cụ thể quá trình hoạt động như sau:

  • Bước 1: Trình duyệt thực hiện kết nối với một trang web (máy chủ web) đang được bảo mật bằng SSL.
  • Bước 2: Trình duyệt yêu cầu máy chủ web tự nhận dạng.
  • Bước 3: Máy chủ web gửi một bản sao chứng chỉ SSL tới trình duyệt  và chờ đợi phản hồi.
  • Bước 4: Trình duyệt kiểm tra chứng chỉ SSL nhận được có tin cậy hay không. Nếu SSL đảm bảo tin cậy thì báo hiệu về máy chủ web.
  • Bước 5: Máy chủ web bắt đầu phiên truy cập được mã hóa SSL.
  • Bước 6: Dữ liệu đã mã hóa sẽ được chia sẻ giữa trình duyệt và máy chủ web. 

Mặc dù trải qua nhiều bước nhưng toàn bộ quá trình diễn ra rất nhanh chóng, chỉ tính bằng mili giây. 

Bạn có thể xem thông tin của chứng chỉ SSL trong một trang web bằng cách nhấn vào biểu tượng ổ khóa bên trái thanh URL. Tùy vào loại chứng chỉ được cấp, sẽ có các thông tin gồm: Tên miền, cơ quan cấp chứng chỉ, tổ chức được cấp chứng chỉ, chữ ký số của tổ chức phát hành chứng chỉ, tên miền phụ, ngày cấp/ngày hết hạn.

SSL xác thực trang web và đảm bảo mọi kết nối truyền dữ liệu là riêng tư và an toàn

>>Xem thêm: Microsoft 365 giải pháp email an toàn bảo mật.

3. Tại sao trang web cần chứng chỉ SSL?

Chứng chỉ SSL xác minh quyền sở hữu trang web thuộc về doanh nghiệp nào,  đồng thời công nhận web an toàn cho dữ liệu người dùng, ngăn chặn tội phạm mạng tạo website giả để đánh lừa người truy cập. 

Ngoài ra, những lợi ích khác khi sử dụng chứng chỉ SSL đối với website có thể kể tới:

  • Bảo mật mọi dịch vụ truy cập hệ thống và các giao dịch mua bán, thanh toán trên website
  • Bảo mật webmail, các ứng dụng quản lý thông tin, máy chủ truyền thông
  • Bảo mật các ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mấy
  • Bảo mật các giao thức truyền tập tin như FTP
  • Bảo mật cài đặt hệ thống trong Control Panel
  • Bảo mật mạng nội bộ
  • Bảo mật các truy cập VPN Access Servers, Citrix Access Gateway…

Ngược lại, website không được xác thực có nghĩa là luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ về lỗ hổng bảo mật và nguy cơ bị xâm nhập đánh cắp thông tin, khiến uy tín doanh nghiệp bị suy giảm, đánh mất niềm tin của khách hàng, làm trang web bị mất lượt truy cập, giảm các giao dịch và không thể nâng cao doanh thu. 

4. Làm thế nào để lấy chứng chỉ SSL?

Có rất nhiều cách để bạn lấy chứng chỉ SSL cho website. Thậm chí nhiều nhà cung cấp trình tạo trang web và dịch vụ web hosting còn cung cấp SSL miễn phí. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ các tổ chức phát hành chứng chỉ của bên thứ ba (CA) để yêu cầu được cấp các chứng nhận SSL đáng tin cậy hơn. 

Nhằm giúp bạn đọc có sự phân định những lợi ích của chứng chỉ SSL miễn phí và SSL trả phí, dưới đây là biểu so sánh chi tiết:

Chứng chỉ SSL miễn phí Chứng chỉ SSL trả phí
Đặc điểm Nhanh chóng, thuận tiện, tối ưu lợi nhuận Phải trả phí để được xác thực và cấp chứng chỉ
Loại chứng chỉ Có hai loại chủ yếu:

– Chứng chỉ SSL tự ký ;

– Chứng chỉ SSL do tổ chức phát hành chứng chỉ ký 

Chứng chỉ được cung cấp bởi tổ chức phát hành chứng chỉ của bên thứ ba: EV SSL, OV SSL, DV SSL, Wildcard SSL, MDC SSL…
Cấp độ xác thực Chỉ xác thực tên miền (DV). Nhiều cấp độ xác thực tùy vào loại chứng chỉ và sự lựa chọn của người lập website.
Đối tượng phù hợp Các blog không thu thập dữ liệu người dùng, không phù hợp cho các doanh nghiệp Phù hợp cho cả website doanh nghiệp thu thập dữ liệu và thanh toán trực tuyến
Thời hạn sử dụng Thời hạn hiệu lực ngắn từ 30 – 90 ngày Hiệu lực tới 27 tháng
Hỗ trợ kỹ thuật Dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật kém, người dùng thường phải tự khắc phục các sự cố xảy ra Cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật chuyên nghiệp, nhanh chóng
Độ tin cậy Mức độ tin cậy thấp. Một số chứng chỉ SSL miễn phí từng gặp sự cố về an ninh mạng. Độ tin cậy cao, được xác thực chuyên sâu và đảm bảo bởi các tổ chức uy tín.
Bảo hành Không có điều khoản bảo hành đi kèm. Khi gặp vi phạm về dữ liệu thì doanh nghiệp phải bỏ tiền ra để đền bù.  Website mã hóa SSL được bảo hành đầy đủ. Khi có những thiệt hại do vi phạm về dữ liệu thì doanh nghiệp được trả tiền bảo hiểm đền bù. 
Xếp hạng Google Đều có thể cải thiện thứ hạng so với website không có chứng chỉ SSL.

5. Các loại chứng chỉ SSL đáng tin cậy 

Hiện nay có nhiều loại chứng chỉ SSL, mỗi loại có một cấp độ xác thực khác nhau, phổ biến nhất có thể kể tới:

Chứng chỉ EV SSL (Extended Validation SSL)

Đây là loại chứng chỉ SSL cao cấp nhất, độ tin cậy cao nhất và cũng có mức giá đắt nhất. EV SSL phù hợp cho các trang web cấu hình cao, thường thu thập dữ liệu và có tính năng thanh toán trực tuyến. 

Sau khi được cấp và cài đặt EV SSL, thanh URL sẽ chuyển sang màu xanh lá cây, đồng thời hiển thị ổ khóa, HTTPS, tên doanh nghiệp, quốc gia, chủ sở hữu trang web. 

Chứng chỉ OV SSL (Organization Validated SSL)

OV SSL có mức độ tin cậy tương tự như EV SSL với mục đích chính là mã hóa thông tin nhạy cảm của người dùng khi thực hiện giao dịch trên web, đồng thời xác minh doanh nghiệp đăng ký sở hữu tên miền có đang tồn tại và hoạt động bình thường hay không. 

Chứng chỉ DV SSL (Domain Validated SSL)

Là loại chứng chỉ SSL ít tốn kém nhất, DV SSL chỉ mã hóa ở mức cơ bản nhất là xác minh quyền sở hữu tên miền, không hiển thị tên doanh nghiệp sở hữu trong ổ khóa. Chúng phù hợp nhất cho các blog, trang web tin tức không thu thập dữ liệu khách hàng và không có thanh toán trực tuyến.  

Có nhiều loại chứng chỉ SSL với các cấp độ xác thực khác nhau

Chứng chỉ Wildcard SSL

Wildcard SSL dành cho website cần bảo mật tên miền (domain) và nhiều miền phụ (subdomain) khác nhau, không giới hạn. Trang web sử dụng chứng chỉ này sẽ có dấu hoa thị * – đại diện cho mọi subdomain hợp lệ có cùng miền chính, ví dụ:

  • login.yoursite.com
  • download.yoursite.com
  • payments.yoursite.com
  • news.yoursite.com

Chứng chỉ MDC SSL (Multi-Domain SSL)

MDC SSL sử dụng để bảo mật nhiều miền và tên miền phụ không có cùng TLD (tên miền cao cấp nhất), ngoại trừ các miền nội bộ. Ví dụ:

  • yoursite.com
  • mail.this-domain.net
  • news.org
  • forum.vn

Lưu ý: MDC SSL không áp dụng cho miền mặc định.

Như vậy, chứng chỉ SSL chính là nền tảng cho an ninh mạng và quyền riêng tư trên internet, đảm bảo các kết nối mạng trên mọi thiết bị máy tính, ipad, smartphone… được mã hóa và không bị tin tặc thao túng. Khi thiết kế website thì bạn nhất định không thể thiếu chứng chỉ này, bởi đây chính là công cụ góp phần tối ưu SEO trong tiếp thị kỹ thuật số, giúp tạo dựng uy tín thương hiệu cho mọi cá nhân và doanh nghiệp. 

hotline icon