WordPress hay Joomla? Đây là câu hỏi của không ít người dùng khi đứng trước quyết định xây dựng website cho riêng mình. Bài so sánh WordPress vs Joomla này chắc chắn sẽ mang đến cho bạn câu trả lời.
Hiện tại, đây là hai trong số các nền tảng quản lý nội dung (CMS) phổ biến và được ưa chuộng nhất. Cả hai đều sở hữu đầy đủ công năng để xây dựng nhiều loại website khác nhau.
Tuy nhiên, chắc chắn rằng chúng vẫn có những ưu – nhược điểm riêng. Cùng tìm hiểu.
1. Tổng quan về WordPress và Joomla
WordPress và Joomla là hai nền tảng CMS lâu đời và phổ biến. Cả hai đều là những nền tảng mã nguồn mở, miễn phí, có cộng đồng người dùng lẫn nhà phát triển rộng lớn.
WordPress được giới thiệu lần đầu vào năm 2003. Ban đầu, nó chủ yếu được dùng để tạo blog. Tuy nhiên, với sự mở rộng không ngừng của các plugin và chủ đề, WordPress đã trở thành một nền tảng CMS toàn diện, có thể xây dựng tất cả các loại website. Bao gồm từ website cá nhân, thương mại điện tử cho đến cộng đồng và doanh nghiệp.
Tính đến hiện tại, WordPress là CMS phổ biến nhất thế giới, chiếm khoảng 43% thị phần website toàn cầu. Đồng nghĩa rằng, hiện có hơn 32 triệu website trên toàn cầu được xây dựng trên nền tảng này.
Trong khi đó, Joomla hiện là nền tảng CMS được sử dụng nhiều thứ ba sau WordPress. Ước tính có khoảng 2.1% tổng số trang web trên toàn cầu được xây dựng bởi Joomla.
Dưới đây là các điểm chung của WordPress và Joomla:
- Phù hợp với nhiều loại website khác nhau
- Có cộng đồng và tài liệu hỗ trợ phong phú
- Có hệ thống plugin/extension để mở rộng chức năng
- Nền tảng quản lý nội dung (CMS) mã nguồn mở và miễn phí
- Cung cấp các tính năng CMS từ cơ bản cho đến nâng cao, miễn phí và có phí
2. So sánh WordPress vs Joomla: Tính dễ sử dụng
Khi lựa chọn nền tảng CMS, tính dễ sử dụng là yếu tố cần phải được ưu tiên hàng đầu. So sánh WordPress vs Joomla ở khía cạnh này, WordPress có nhiều lợi thế hơn hẳn.
Cụ thể, WordPress được thiết kế với mục tiêu tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, đặc biệt là những người mới bắt đầu. Dashboard quản trị của nó rất đơn giản, trực quan và dễ tiếp cận.
Do đó, dù là người mới, bạn vẫn có thể cài đặt, cấu hình và thêm các tiện ích bổ sung.
Trái ngược với WordPress, Joomla có cấu trúc phức tạp hơn. Thậm chí nó yêu cầu phải có kiến thức kỹ thuật nhất định. Hơn hết, dù dashboard quản trị có nhiều tính năng nhưng thường gây bối rối vì chứa nhiều thuật ngữ chuyên môn.
Quá trình cài đặt, cấu hình và thêm các tính năng bổ sung trên Jooomla cũng đòi hỏi phải thực hiện nhiều thao tác hơn.
Một ưu điểm khác của WordPress là cộng đồng rộng lớn và tài liệu hướng dẫn phong phú. Trái lại, do xếp sau WordPress về độ phổ biến, Joomla hiện có cộng đồng và tài liệu hạn chế hơn.
3. So sánh WordPress vs Joomla: Quản lý nội dung
Để chọn một trong hai, WordPress phù hợp với người mới bắt đầu. Trong khi đó, Joomla với nhiều tính năng nâng cao thích hợp cho các website có yêu cầu quản lý nội dung phức tạp.
Chi tiết, WordPress cung cấp các công cụ quản lý nội dung khá linh hoạt và dễ sử dụng. Người dùng có thể dễ dàng tạo, chỉnh sửa và quản lý các loại nội dung khác nhau như bài viết, trang, media, sản phẩm và hơn thế nữa.
Hệ thống phân quyền của WordPress cũng khá mạnh mẽ, cho phép phân chia vai trò và quyền hạn giữa các thành viên trong website. Việc tối ưu hóa nội dung như SEO, meta tags, redirects cũng được hỗ trợ tốt thông qua các plugin phổ biến.
So với WordPress, Joomla cung cấp các tính năng quản lý nội dung tương tự nhưng không thân thiện như WordPress.
Tuy nhiên, Joomla bao gồm nhiều tính năng nâng cao, đáp ứng nhu cầu quản lý nội dung phức tạp của các doanh nghiệp. Chẳng hạn như quản lý phiên bản, phân tích thống kê, hệ thống phân quyền linh hoạt và nhiều tùy chỉnh khác.
Hơn nữa, người dùng còn có thể tạo, chỉnh sửa và quản lý các loại nội dung đa dạng như bài viết, sản phẩm, danh mục, media, v.v.
4. So sánh WordPress vs Joomla: Khả năng tùy chỉnh
Xét đến khả năng tùy chỉnh, đây là một khía cạnh mà WordPress vs Joomla hòa nhau. Cả hai đều cho phép người dùng mở rộng website của mình theo những cách khác nhau.
WordPress nổi tiếng với kho giao diện và plugin khổng lồ. Với hàng ngàn theme miễn phí và trả phí, bạn có thể dễ dàng thay đổi giao diện website theo ý muốn, từ blog cá nhân đến website doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hơn 59.000 plugin còn cho phép tùy chỉnh website theo nhu cầu. Chẳng hạn như các plugin cần thiết cho WordPress, mạng xã hội, cửa hàng trực tuyến, v.v.
Việc cài đặt theme và plugin vào WordPress cũng rất đơn giản. Thông thường, quá trình chỉ yêu cầu vài cú click chuột.
Trong khi đó, Joomla cũng cung cấp khả năng tùy chỉnh sâu nhưng đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức kỹ thuật. Chẳng hạn, nó cho phép tùy chỉnh cả cấu trúc và chức năng của website, phù hợp với những ai muốn xây dựng website chuyên biệt hoặc có tính phức tạp cao.
5. So sánh WordPress vs Joomla: Tính năng SEO
Một lần nữa, đây là khía cạnh mà WordPress có lợi thế hơn vì dễ sử dụng. Trong khi đó, Joomla dù cũng hỗ trợ SEO tốt nhưng khá phức tạp, chủ yếu được dùng bởi các website chuyên SEO.
Cụ thể, WordPress được đánh giá là có lợi thế về SEO, đặc biệt đối với các website nhỏ và trung bình. Nền tảng khả dụng với hàng loạt plugin SEO tốt nhất hiện nay.
Ví dụ như Yoast SEO, All in One SEO Pack, v.v. Tất cả đều cung cấp giao diện thân thiện, giúp người dùng dễ dàng tạo và chỉnh sửa các thẻ tiêu đề, mô tả, URL, v.v. Ngoài ra, WordPress cho phép tùy chỉnh robots.txt và sitemap dễ dàng.
Trong khi đó, Joomla có các mô-đun SEO tích hợp sẵn như sh404SEF, JoomSEF, OSMap,… Nhờ đó, Joomla thích hợp hơn cho các website lớn, phức tạp với các yêu cầu SEO cao. Song, việc tận dụng tối đa khả năng SEO của Joomla đòi hỏi phải có khả năng quản trị chuyên sâu hơn.
6. So sánh WordPress vs Joomla: Cổng thanh toán
Chọn cổng thanh toán phù hợp là bước quan trọng khi xây dựng website để có các giao dịch trực tuyến liền mạch. Cả Joomla và WordPress đều cung cấp nhiều giải pháp khác nhau để chấp nhận thanh toán. Tuy nhiên, WordPress cung cấp nhiều lựa chọn hơn.
Trong đó, plugin thương mại điện tử của WordPress là WooCommerce cung cấp hơn 100 cổng thanh toán khác nhau. Bao gồm cả nội địa và quốc tế. Ví dụ như Paypal, Amazon Pay, Stripe, eWay, v.v.
Trong khi đó, Joomla hiện cung cấp tất cả 77 cổng thanh toán. Bao gồm cả miễn phí và trả phí.
7. So sánh WordPress vs Joomla: Chi phí sử dụng
Vì đều là những nền tảng CMS miễn phí nên khi so sánh chi phí sử dụng giữa WordPress vs Joomla, cần cân nhắc đến các chi phí liên quan khác. Điển hình như tên miền, lưu trữ web, chứng chỉ bảo mật, plugin mở rộng,… Nhìn chung, WordPress có chi phí phát triển thấp hơn.
Chúng tôi đã ước tính tính chi phí như bên dưới. Tất nhiên, con số cuối cùng sẽ thay đổi dựa trên nhu cầu cụ thể.
Ước tính chi phí sử dụng WordPress:
- Tên miền: $10 – $30/năm
- Phí lưu trữ: $5 – $100/tháng
- Phí lập trình viên: $40 – $180/giờ
- Phí bảo trì: Từ $99/tháng
- Plugins: $0 – $300, thanh toán hàng tháng hoặc một lần
Ước tính chi phí sử dụng Joomla:
- Tên miền: $10 – $30/năm
- Phí lưu trữ: $5 – $100/tháng
- Phí lập trình viên: $50 – $200/giờ
- Phí bảo trì: $100 – $1000/tháng
- Plugins: 0 – $300, thanh toán hàng tháng hoặc một lần
8. So sánh WordPress vs Joomla: Khả năng bảo mật
WordPress sở hữu đa dạng plugin bảo mật hơn Joomla. Tuy nhiên, sự phổ biến của WordPress cũng là con dao hai lưỡi. Bởi được sử dụng rộng rãi, WordPress thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc.
Chi tiết hơn, WordPress cũng có rất nhiều plugin bảo mật nâng cao. Ví dụ như Wordfence, Sucuri, iThemes Security, v.v. Các plugin này cung cấp nhiều tính năng bảo mật như bảo vệ chống brute-force, quét mã độc, backup dữ liệu, v.v.
Với cộng đồng lớn, WordPress cũng có đến hàng nghìn nhà phát triển và những chuyên gia bảo mật không ngừng làm việc để phát hiện và vá nhanh các lỗ hổng. Điều này giúp các lỗ hổng bảo mật được khắc phục kịp thời, hạn chế các mối đe dọa.
Tuy nhiên, chính vì sự phổ biến, WordPress cũng trở thành mục tiêu thường thấy của tin tặc. Do đó, người dùng cần thận trọng lựa chọn các plugin bảo mật uy tín và rõ nguồn gốc để tránh các rủi ro.
Joomla, mặc dù có ít plugin bảo mật hơn WordPress, nhưng lại được đánh giá cao về kiến trúc bảo mật. Nó có nhiều tính năng bảo mật tích hợp sẵn, giúp bảo vệ website khỏi các cuộc tấn công phổ biến.
Dù vậy, khi sử dụng bất kỳ nền tảng nào, người dùng cũng cần tuân thủ các biện pháp bảo mật như sử dụng mật khẩu mạnh và sao lưu thường xuyên
9. So sánh WordPress vs Joomla: Trợ giúp và hỗ trợ
Cuối cùng, nếu bạn là người mới thì khả năng hỗ trợ của WordPress và Joomla cũng rất đáng để cân nhắc. Ở khía cạnh này, có thể nói WordPress dẫn trước do có kho tài liệu hướng dẫn phong phú hơn. Tuy nhiên, sự cách biệt là không quá đáng kể.
Với cộng đồng người dùng lên đến hàng triệu người của WordPress, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy lời khuyên và hướng dẫn cụ thể cho vấn đề của mình. Bên cạnh đó, kho tài liệu hướng dẫn được biên soạn bởi chính WordPress và các chuyên gia phát triển web cũng cực kỳ phổ biến.
Tương tự, Joomla cũng có những cộng đồng trực tuyến dành cho người dùng, nhà phát triển và bất kỳ ai quan tâm. Trên website chính thức, hãng cũng cung cấp một loạt các hỗ trợ dưới dạng bài viết, inforgaphics và video miễn phí.
10. Bảng so sánh chi tiết
Trên đây, chúng tôi đã làm rõ sự giống – khác cũng như ưu và nhược điểm của WordPress vs Joomla. Để giúp bạn có một cái nhìn tổng quan hơn, chúng tôi tổng kết lại trong bảng dưới đây.
WordPress | Joomla | |
Chi phí | Miễn phí | Miễn phí |
Mức độ phổ biến | Phổ biến nhất | Phổ biến thứ ba |
Hỗ trợ đa ngôn ngữ | Có | Có |
Khả năng sử dụng | Dễ sử dụng, giao diện thân thiện | Khó sử dụng hơn, đòi hỏi kiến thức kỹ thuật |
Tùy biến | Rất linh hoạt, có hàng trăm nghìn plugin để mở rộng chức năng | Linh hoạt, có nhiều extension để mở rộng chức năng |
Quản lý nội dung | Đơn giản, trực quan, phù hợp với blog và website tin tức | Linh hoạt, mạnh mẽ, phù hợp với website phức tạp và nhiều loại nội dung |
SEO | Tối ưu SEO tốt, nhiều plugin SEO mạnh mẽ | Hỗ trợ SEO tốt, ít plugin SEO |
Bảo mật | Cần cài đặt thêm plugin bảo mật | Nhiều tính năng bảo mật tích hợp sẵn |
Cộng đồng hỗ trợ | Rất lớn, nhiều tài liệu hướng dẫn và diễn đàn | Nhỏ hơn, nhưng vẫn có cộng đồng tích cực |
11. Một số câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp khi so sánh WordPress vs Joomla.
11.1 Hạn chế của Joomla là gì?
Giao diện phức tạp, ít tài nguyên hỗ trợ và cộng đồng người dùng chưa lớn mạnh.
11.2 Tôi nên chọn nền tảng nào?
Nếu là người mới hoặc cần website cơ bản, WordPress là sự lựa chọn tốt hơn. Trái lại, nếu có nền tảng kỹ thuật và cần hệ thống linh hoạt, Joomla sẽ phù hợp hơn.
11.3 Nền tảng nào phổ biến hơn?
WordPress phổ biến hơn Joomla.
11.4 Hạn chế của WordPress là gì?
Cần chú trọng bảo mật hơn, có thể bị chậm nếu cài quá nhiều plugin.
11.5 Nền tảng nào dễ sử dụng hơn?
WordPress dễ sử dụng hơn Joomla.
11.6 Cả hai đều hỗ trợ đa ngôn ngữ phải không?
Có. Cả WordPress và Joomla đều hỗ trợ đa ngôn ngữ.
11.7 Joomla hay WordPress có tốc độ tải nhanh hơn?
Tốc độ của hai nền tảng tương đương nhau. Tuy nhiên, nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào cấu trúc nội dung, plugin và nhiều yếu tố khác.
11.8 Có thể chuyển đổi từ WordPress sang Joomla không?
Có thể chuyển từ WordPress sang Jooomla hoặc ngược lại. Nhưng khá phức tạp và mất nhiều thời gian.
Kết
Trên đây, chúng tôi đã so sánh chi tiết WordPress vs Joomla. Các khía cạnh đã được phân thắng – bại gồm tính dễ sử dụng, khả năng quản lý nội dung, tùy chỉnh, SEO, cổng thanh toán, chi phí, bảo mật và hỗ trợ.
Trong đó, có thể thấy WordPress đang tạm thời dẫn trước ở hầu hết các “mặt trận”. Tuy vậy, vẫn có những điểm Joomla vượt trội hơn nếu người dùng có nền tảng kỹ thuật.
Do đó, nhìn chung nếu bạn là người mới bắt đầu hoặc muốn xây dựng website cơ bản, WordPress là sự lựa chọn hợp lý. Trong trường hợp bạn có kiến thức kỹ thuật, có kinh nghiệm quản lý và cần một hệ thống linh hoạt, Joomla hoàn toàn có thể làm tốt hơn.