Chuyển tới nội dung

So sánh Google Cloud vs AWS vs Azure | Nên chọn nền tảng điện toán đám mây nào?

so sánh Google Cloud vs AWS vs Azure

Điện toán đám mây đã và đang cách mạng hóa cách thức vận hành của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, Google Cloud vs AWS vs Azure là ba gã khổng lồ đang thống trị thị trường đám mây toàn thế giới.

Đến nay, ước tính cả ba đang kiểm soát lên đến 67% tổng thị phần đám mây toàn cầu. Dự kiến cán mốc 75% trong vòng 2 đến 3 năm tới. Vậy liệu rằng, đâu mới là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây phù hợp với doanh nghiệp của bạn?

Trong bài viết, Mat Ma Technology sẽ đặt ba cái tên này lên bàn cân để tìm ra câu trả lời.

1. Giới thiệu tổng quan

Google Cloud, AWS và Azure là ba nhà cung cấp dịch vụ đám mây khủng nhất hiện nay. Trước khi đi vào phần so sánh chi tiết, chúng tôi khái quát lại một số thông tin cơ bản về từng nhà cung cấp như sau.

1.1 Về Google Cloud

Google Cloud Platform (viết tắt GCP) được Google thành lập vào năm 2011. Hiện đây là nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn thứ ba thế giới, chiếm khoảng 9% thị phần.

Google Cloud nổi bật với công nghệ đám mây tiên tiến, khả năng mở rộng và giao diện người dùng thân thiện. Hệ sinh thái của hãng bao gồm hơn 100 sản phẩm và dịch vụ. Bao gồm máy ảo, lưu trữ, mạng, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, big data, v.v.

Các giải pháp của Google Cloud được thiết kế dành cho các tổ chức ở mọi quy mô. Bao gồm từ công ty khởi nghiệp cho đến các doanh nghiệp lớn. Trong hơn một thập kỷ, nó luôn được các nhà phát triển đánh giá cao.

Google Cloud
Nền tảng điện toán đám mây Google Cloud

Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đang vận hành trên các giải pháp Google Cloud. Nổi bật như Toyota, Unilever, Spotify, The Home Depot, Twitter, Paypal, v.v.

Riêng tại thị trường Việt Nam, thị phần của Google Cloud cũng chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng. Lên đến khoảng 30% mỗi năm. Nhiều doanh nghiệp Việt, nhất là các startup công nghệ, luôn có xu hướng lựa chọn các giải pháp đám mây từ Google.

1.2 Về Microsoft Azure

Microsoft Azure là nền tảng điện toán đám mây được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2010. Theo thống kê, Azure đứng thứ hai trên thị trường đám mây toàn cầu. Hiện nó chiếm khoảng 21% thị phần.

Với các dịch vụ liên quan đến máy ảo, lưu trữ, cơ sở dữ liệu, phân tích và trí tuệ nhân tạo, Azure là lựa chọn phù hợp cho các doanh nghiệp SMB và doanh nghiệp lớn. Đặc biệt là những tổ chức đang sử dụng nhiều công nghệ Microsoft.

Trong đó, Azure tích hợp chặt chẽ với các sản phẩm và dịch vụ Microsoft. Điển hình nhất là Windows Server, SQL Server và Office 365. Nhờ vậy, các tổ chức dễ dàng tích hợp nó với cơ sở hạ tầng CNTT sẵn có.

Microsoft Azure
Nền tảng điện toán đám mây Microsoft Azure

Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đang vận hành trên các giải pháp Azure. Chẳng hạn như DAIMLER AG, Starbucks, Mitsubishi Electric, HSBC, HP, v.v.

Tại Việt Nam, Azure cũng đang được nhiều doanh nghiệp lớn chọn làm nền tảng đám mây chủ đạo. Tuy không tăng trưởng nhanh như Google Cloud, Azure vẫn đang từng bước mở rộng thị phần. Nhiều chuyên gia dự đoán Azure sẽ tiếp tục gia tăng sự hiện diện trong các tổ chức công nghệ, tài chính và các ngành kinh tế trọng điểm khác của nước ta trong thời gian tới.

1.3 Về Amazon Web Service

Amazon Web Services (viết tắt AWS) là nền tảng điện toán đám mây tiên phong và phổ biến nhất. Ước tính đến nay AWS chiếm khoảng 33% thị phần toàn cầu.

Trước đó, AWS được biết là một dịch vụ đám mây nội bộ. Năm 2006, nó được phát triển thành đám mây công khai với các dịch vụ như Amazon S3 và EC2. Nó được xem là nền tảng đám mây hiện đại nhất, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp lớn, thậm chí là chính phủ.

Khác biệt lớn nhất của AWS so với các nền tảng đám mây khác là sự đa dạng và độ sâu của các dịch vụ. Bao gồm cả lưu trữ, cơ sở dữ liệu, phân tích, học máy, IoT, big data, v.v. Điều này cho phép các tổ chức xây dựng hạ tầng CNTT hoàn toàn trên AWS.

Cũng chính vì sự phức tạp mà AWS ít được phổ biến trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. So với Google Cloud và Microsoft Azure, thị phần của AWS tại nước ta chỉ chiếm một con số nhỏ.

Các khách hàng lớn của AWS trên thế giới gồm Expedia, Netflix, Coinbase, Formula 1, Coca, Airbnb, v.v.

2. Điểm chung nổi bật của Google Cloud vs AWS vs Azure

Mỗi nền tảng đều có những lợi thế riêng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, rõ ràng chúng vẫn có một số điểm chung nhất định. Dưới đây là những điểm chung nổi bật của Google Cloud vs AWS vs Azure.

điểm chung của Google Cloud vs AWS vs Azure
Điểm chung của Google Cloud vs AWS vs Azure

2.1 Dịch vụ điện toán đám mây toàn diện

Google Cloud, AWS và Azure đều cung cấp đầy đủ các dịch vụ điện toán đám mây toàn diện, đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi doanh nghiệp. Bao gồm:

  • IaaS (Infrastructure-as-a-Service): Cung cấp hạ tầng máy ảo, lưu trữ dữ liệu, mạng lưới để khách hàng xây dựng và triển khai ứng dụng của riêng mình.
  • PaaS (Platform-as-a-Service): Cung cấp nền tảng phát triển, triển khai và quản lý ứng dụng, giúp tối ưu hóa quy trình phát triển phần mềm.
  • SaaS (Software-as-a-Service): Cung cấp các ứng dụng sẵn có mà khách hàng có thể truy cập và sử dụng qua internet, mà không cần cài đặt hay quản lý hạ tầng.

2.2 Mạng lưới trung tâm dữ liệu toàn cầu

Một điểm chung khác của bộ ba này là đều có mạng lưới trung tâm dữ liệu trải dài trên toàn thế giới.

Nhờ đó, họ có thể cung cấp các dịch vụ với độ ổn định và hiệu suất cao. Đồng thời, điều này còn giúp đảm bảo sự linh hoạt về vị trí triển khai lẫn khả năng mở rộng quy mô.

2.3 Mô hình thanh toán linh hoạt

Cả ba nền tảng đều áp dụng mô hình thanh toán theo nhu cầu sử dụng, giúp khách hàng tối ưu hóa chi phí và chỉ thanh toán cho những dịch vụ mà họ sử dụng.

Do đó, thay vì đầu tư một lần vào cơ sở hạ tầng ban đầu, doanh nghiệp có thể linh hoạt mở rộng hoặc thu hẹp quy mô theo nhu cầu hoặc theo thời gian.

2.4 Cam kết về bảo mật và tuân thủ

Điểm chung quan trọng cuối cùng liên quan đến các cam kết bảo mật và tuân thủ. Cụ thể, cả ba đều tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật quốc tế. Ví dụ như ISO 27001, SOC 2, PCI DSS,… Tất cả nhằm đảm bảo rằng dữ liệu của người dùng luôn được an toàn.

Đồng thời, họ cũng cung cấp nhiều tính năng bảo mật nâng cao khác. Điển hình như mã hóa dữ liệu, quản lý danh tính, quản lý quyền truy cập, v.v.

3. Điểm khác biệt cốt lõi của Google Cloud vs AWS vs Azure

Ở mục trước, chúng tôi đã làm rõ các điểm chung nổi bật của Google Cloud vs AWS vs Azure. Để giúp bạn lựa chọn đúng nền tảng, dưới đây chúng tôi tiếp tục làm rõ những điểm khác biệt chính.

3.1 Vùng và khu vực khả dụng

Khi lựa chọn nhà cung cấp đám mây, các vùng và khu vực được hỗ trợ là yếu tố tiên quyết cần xem xét. Bởi lẽ, những vấn đề liên quan đến độ trễ và các quy định về tuân thủ dữ liệu chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến quá trình vận hành.

Chi tiết:

  • Google Cloud hiện hỗ trợ 27 khu vực và 84 vùng khả dụng trải rộng khắp thế giới.
  • AWS hiện hỗ trợ 26 khu vực và 81 vùng khả dụng, gần tương đương tự như Google Cloud.
  • Azure hiện hỗ trợ 64 khu vực và 220 vùng khả dụng, phổ biến hơn Google Cloud và AWS.
trung tâm dữ liệu của Microsoft Azure
Trung tâm dữ liệu trên khắp thế giới của Microsoft Azure

Hiện nay, cả ba nền tảng đều khả dụng tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Theo IDC, Đông Nam Á hiện là thị trường điện toán đám mây phát triển nhanh nhất trên toàn cầu và dự kiến sẽ đạt giá trị 40,32 tỷ USD vào năm 2025. Đó là lý do những gã khổng lồ ở thung lũng Silicon mạnh tay đầu tư vào thị trường này.

Như vậy, tại nước ta, vùng và khu vực khả dụng không phải là yếu tố mang tính quyết định khi so sánh Google Cloud vs AWS vs Azure.

3.2 Phạm vi dịch vụ

Về phạm vi dịch vụ, AWS và Azure dẫn đầu với danh mục dịch vụ đa dạng, lên đến hơn 200 loại. Trong khi đó, Google Cloud đang tạm dừng chân ở con số hơn 100 loại dịch vụ.

Xem chi tiết trong bảng tóm tắt nhanh bên dưới.

3.2.1 Điện toán đám mây

Dịch vụ  AWS Azure Google Cloud
VM (Compute Instance) EC2 (Elastic Compute) Azure Virtual Machine Google Compute Engine
PaaS AWS Elastic Beanstalk App Service Google App Engine
Container AWS Elastic Container/Kubernetes Service Azure Kubernetes Service (AKS) Google Kubernetes Engine
Serverless Functions AWS Lambda Azure Function Google Cloud Functions

3.2.2 Cơ sở dữ liệu

Dịch vụ  AWS Azure Google Cloud
RDBMS (Multiple Database Types – SQL, MySQL,…) AWS RDS Azure SQL/ Database for MySQL/PostgreSQL Cloud SQL
NoSQL DynamoDB, Simple DB Azure Cosmos DB, Table Storage BigTable, Cloud Datastore
Object Storage S3 (Simple Storage Service)  Blob Storage Google Cloud Storage
File Storage Elastic File System Azure File Storage Google Filestore
Data Warehouse/Data Lake Amazon Redshift Azure Synapse Analytics Google BigQuery

3.2.3 Networking

Dịch vụ  AWS Azure Google Cloud
Virtual Network Virtual Private Cloud (VPC) Virtual Network (Vnet) Virtual Private Cloud (VPC)
Virtual Private Cloud (VPC) Virtual Private Cloud (VPC) Virtual Private Cloud (VPC) Virtual Private Cloud (VPC)
Firewall AWS Firewall / Web Application Firewall Azure Firewall Google Cloud firewalls
DNS Route 53 Azure DNS Google Cloud DNS
CDN Amazon CloudFront Azure Content Delivery Network (CDN) Cloud CDN

3.2.4 Các dịch vụ khác

Dịch vụ  AWS Azure Google Cloud
DevOps CodePipeline, CodeBuild, CodeDeploy, CodeStar Azure Boards, Pipelines, Repos, Test Plans, Artifacts GCP DevOps CloudBuild, Artifact Registry
AI & ML Amazon SageMaker, Amazon Comprehend, Amazon Lex, Amazon Polly Azure Machine Learning, Azure Databricks, Azure Cognitive Search, Azure Bot Service, Cognitive Services Vertex AI, AutoML, Dataflow CX, Cloud Vision, Virtual Agents
IoT FreeRTOS, IoT Core, Greengrass, IoT Analytics, SiteWise Azure IoT Hub/Central, IoT Edge, Azure Sphere, Azure RTOS Google Cloud IoT Core
AR & VR Amazon Sumerian Azure Mixed Reality (Spatial Anchors/Remote Rendering) ARCore
Game Development Amazon GameLift Azure PlayFab
Business Analytics Amazon Quicksight Azure Power BI Looker

Từ đó, có thể thấy AWS và Azure đang có lợi thế về danh mục dịch vụ. Tuy nhiên, để lựa chọn một trong ba, đừng quá chú tâm đến số lượng dịch vụ. Thay vào đó, bạn nên xem xét đến nhà cung cấp nào có những dịch vụ mà bạn cần.

3.3 Đối tượng khách hàng

Tùy đặc thù của mỗi ứng dụng và dịch vụ mà nó được xây dựng để hướng đến những phân khúc khách hàng riêng. Do đó, đây là một khía cạnh khá khó để phân định rõ ràng.

Google Cloud chủ yếu được xây dựng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt là những tổ chức có nhu cầu về máy chủ, lưu trữ dữ liệu và bộ ứng dụng SaaS. Những tổ chức không mạnh về công nghệ nhưng muốn chuyển đổi số nhanh, tận dụng các công nghệ tiên tiến như AI và Machine Learning cũng nên tham khảo nền tảng này.

Trong khi đó, AWS chủ yếu hướng tới các tập đoàn lớn. Nhất là các tập đoàn công nghệ, viễn thông, tài chính và chính phủ. Nó cũng hấp dẫn đối với các dự án yêu cầu khả năng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ.

Cuối cùng, cái tên còn lại là Azure hướng tới các khách hàng doanh nghiệp ở mọi quy mô. Đặc biệt là những khách hàng đang sử dụng các sản phẩm Microsoft khác như Windows, Office, Surface, v.v. Nền tảng này thích hợp với các ứng dụng dựa trên nền tảng Microsoft như .NET và SQL Server.

Như vậy, dù có nhiều điểm chung nhưng rõ ràng, Google Cloud, AWS và Microsoft Azure đang hướng đến những phân khúc khách hàng khác nhau.

3.4 Chi phí sử dụng

Chi phí cũng là một yếu tố quan trọng cần lưu ý. Bởi lẽ một khi đã chuyển đổi số, hiếm có doanh nghiệp nào chỉ tạm thời chuyển đổi ngắn hạn. Mà thay vào đó, quá trình này tương ứng với một cam kết dài hạn theo tháng hoặc theo năm.

Chúng tôi không đề cập đến mức giá cụ thể tại đây vì mỗi dịch vụ đi kèm với chi phí cũng như cách tính cụ thể khác nhau.

Tuy nhiên, nhìn chung có thể thấy Microsoft Azure có lợi thế về giá nhất. Trong khi đó, những giải pháp tương ứng của AWS và Google Cloud thường có chi phí trung bình cao hơn.

3.5 Hệ sinh thái tích hợp

Hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng khả năng của nền tảng đám mây.

Cụ thể như, hệ sinh thái tích hợp của Google Cloud được xây dựng xung quanh các dịch vụ chính. Ví dụ như Google Cloud Storage, Compute Engine, Kubernetes Engine, Cloud SQL và Cloud Dataflow. Các dịch vụ này được tích hợp chặt chẽ với nhau. Đồng thời, chúng còn có thể tích hợp với các dịch vụ khác như BigQuery, Dataproc, Dataprep, v.v. Ngoài ra, có thể nói Google Workspace là chính là trung tâm của hệ sinh thái.

so sánh Google Cloud vs AWS vs Azure
Hệ sinh thái Google Cloud

Với AWS, hệ sinh thái của nó bao gồm một loạt các dịch vụ. Ví dụ như Amazon EC2, Amazon S3, Amazon RDS, Amazon Redshift, v.v. Các dịch vụ này được tích hợp chặt chẽ, cho phép xây dựng ứng dụng và giải pháp phân tán trên nền tảng AWS.

Trong khi đó, hệ sinh thái Microsoft Azure bao gồm các dịch vụ như Azure Virtual Machines, Azure Storage, Azure SQL Database, Azure Cosmos DB, v.v. Có thể nói tất cả được xây dựng để cung cấp một nền tảng đa năng, linh hoạt và hiệu quả.

Tóm lại, Google Cloud vs AWS vs Azure đều cung cấp các hệ sinh thái đa dạng, cho phép triển khai theo nhu cầu cụ thể. Để lựa chọn một trong ba dựa vào yếu tố này, chúng tôi khuyến khích bạn cân nhắc dựa trên nhu cầu của tổ chức.

3.6 AI và học máy

Cả ba nền tảng điện toán đám mây đều cung cấp nhiều dịch vụ và tính năng AI/ML mạnh mẽ. Tuy nhiên, điểm mạnh và sự phù hợp sẽ khác nhau tùy theo nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp.

Trong đó, Google Cloud sở hữu mô hình Deep Learning tiên tiến nhất hiện nay. Nền tảng chính là Google Cloud AI. Bao gồm Cloud Vision API để phân tích hình ảnh, Cloud Natural Language API để phân tích văn bản, v.v.

Ngoài ra, Google còn cung cấp các mô hình ngôn ngữ chuyên sâu như Gemini. AI này hỗ người dùng làm việc, cộng tác và sáng tạo trong hệ sinh thái của mình.

Với AWS, Amazon cũng có một hệ sinh thái AI và học máy rất phát triển. Các dịch vụ chính bao gồm Amazon Rekognition để phân tích ảnh, Amazon Comprehend để phân tích văn bản, Amazon Transcribe để chuyển đổi audio sang văn bản, v.v.

AI và học máy trong AWS
AI và học máy trong AWS

Tất nhiên, Microsoft Azure cũng không kém cạnh. Các dịch vụ nổi bật gồm Cognitive Services để tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các ứng dụng, Azure Machine Learning để triển khai machine learning, Azure Bot Service để xây dựng các trợ lý ảo, v.v.

Do đó, lựa chọn phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của mỗi doanh nghiệp.

3.7 Độ tin cậy

Để đánh giá độ tin cậy, chúng tôi cân nhắc dựa trên thời gian hoạt động, khả năng khôi phục và bảo mật.

Theo đó, cả Google Cloud vs AWS vs Azure đều có cam kết về thời gian hoạt động lên đến 99.9%, thậm chí cao hơn với một số dịch vụ cụ thể.

Trong thực tiễn, AWS và Azure có lịch sử hoạt động ổn định với rất ít sự cố gián đoạn dịch vụ. Google Cloud cũng có mức độ tin cậy cao, với nhiều báo cáo cho thấy thời gian hoạt động gần như tuyệt đối.

Bên cạnh đó, khả năng khôi phục cũng là một khía cạnh quan trọng khác của độ tin cậy. AWS cung cấp nhiều tính năng và dịch vụ để tăng cường khả năng phục hồi. Ví dụ như sao sao lưu, phục hồi thảm họa, v.v. Google Cloud và Azure cũng có các tính năng tương tự để đảm bảo khả năng phục hồi khi xảy ra sự cố.

Về bảo mật, cả ba nền tảng đều đặt bảo mật lên hàng đầu. Tiêu biểu như mã hóa dữ liệu, kiểm soát truy cập, bảo vệ DDoS, v.v. Mà trong đó, Azure và AWS thường được đánh giá cao về mặt bảo mật nhờ nhiều chứng chỉ và đánh giá an ninh.

Tóm lại, có thể nói đây là một khía cạnh mà cả ba luôn bám đuổi nhau, bất phân thắng bại trong nhiều năm qua.

4. Đánh giá ưu và nhược điểm của Google Cloud vs AWS vs Azure

Khi so sánh Google Cloud vs AWS vs Azure, chỉ tập trung vào điểm chung và điểm riêng biệt là chưa đủ. Để thêm phần khách quan, dưới đây chúng tôi khái quát nhanh một số ưu và nhược điểm nổi bật của ba nền tảng.

4.1 Google Cloud

Ưu điểm:

  • Hiệu suất và tốc độ truy cập ổn định.
  • Chi phí cạnh tranh, phạm vi khả dụng rộng rãi.
  • Tích hợp sâu với các dịch vụ Google và bên thứ ba. Tiêu biểu như BigQuery, Dataflow, Dataproc, v.v.
  • Nhiều dịch vụ có khả năng mở rộng linh hoạt. Ví dụ như Compute Engine, Cloud Functions, Kubernetes Engine, v.v.

Nhược điểm:

  • Danh mục ứng dụng và dịch vụ chưa đa dạng.
  • Độ phủ khu vực địa lý còn hạn chế so với các đối thủ lớn.
  • Một số dịch vụ vẫn chưa được ổn định và hoàn thiện bằng AWS và Azure.

4.2 Amazon Web Service

Ưu điểm:

  • Có thâm niên nhất trong lĩnh vực điện toán đám mây.
  • Hệ sinh thái phong phú, tích hợp với nhiều ứng dụng bên thứ ba.
  • Các dịch vụ cốt lõi hoạt động ổn định, tất cả đều được kiểm chứng.
  • Khả năng tùy biến và tối ưu hóa cao, phù hợp với các nhu cầu cực kỳ phức tạp.

Nhược điểm:

  • Độ phức tạp cao, yêu cầu nền tảng CNTT mạnh.
  • Cập nhật liên tục, đòi hỏi phải thích ứng nhanh chóng.
  • Cộng đồng người dùng chưa phát triển mạnh tại Việt Nam.

4.3 Microsoft Azure

Ưu điểm:

  • Tích hợp sâu với các sản phẩm và dịch vụ Microsoft.
  • Cung cấp các tính năng bảo mật và tuân thủ mạnh mẽ.
  • Cung cấp nhiều dịch vụ AI/ML được thiết kế riêng cho các nhu cầu kinh doanh cụ thể.
  • Đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp đang sử dụng hệ sinh thái sản phẩm Microsoft.

Nhược điểm:

  • Khả năng tùy biến có thể hạn chế hơn so với AWS.
  • Hệ sinh thái dịch vụ tích hợp chủ yếu tập trung vào sản phẩm của Microsoft.

5. Bảng so sánh chi tiết của Google Cloud vs AWS vs Azure

Trên đây, chúng tôi đã làm rõ điểm giống – khác cũng như ưu điểm và hạn chế của Google Cloud vs AWS vs Azure. Trong bảng bên dưới, chúng tôi tổng kết lại một số khía cạnh quan trọng.

AWS Azure Google Cloud
Ra mắt Năm 2011 Năm 2006 Năm 2010
Danh mục dịch vụ 100+ 237+ 172+
Dịch vụ điện toán đám mây ✔️ ✔️ ✔️
Dịch vụ lưu trữ ✔️ ✔️ ✔️
Dịch vụ cơ sở dữ liệu ✔️ ✔️ ✔️
Dịch vụ mạng ✔️ ✔️ ✔️
Dịch vụ phân tích dữ liệu ✔️ ✔️ ✔️
AI và học máy ✔️ ✔️ ✔️
Bảo mật và tuân thủ ✔️ ✔️ ✔️
Khả năng mở rộng ✔️ ✔️ ✔️
Hiệu suất Mạng lưới toàn cầu, hiệu suất cao, độ tin cậy tốt Mạng lưới toàn cầu rộng lớn nhất, độ tin cậy cao Mạng lưới toàn cầu, hiệu suất cao, độ tin cậy tốt, tích hợp tốt với Microsoft
Cách định giá Thanh toán theo mức sử dụng, theo sản phẩm/dịch vụ Thanh toán theo mức sử dụng, theo sản phẩm/dịch vụ Thanh toán theo mức sử dụng, theo sản phẩm/dịch vụ

6. Một số câu hỏi thường gặp khi so sánh Google Cloud vs AWS vs Azure

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp khi so sánh Google Cloud vs AWS vs Azure.

6.1 Khi so sánh Google Cloud vs AWS vs Azure, nền tảng nào tốt nhất?

Mỗi nền tảng đều có thế mạnh và hạn chế riêng. Nền tảng nào tốt nhất phụ thuộc và nhu cầu thực tế của từng doanh nghiệp.

6.2 Nền tảng nào có giá cả cạnh tranh nhất?

AWS thường được cho là có giá cạnh tranh nhất. Đặc biệt đối với các dịch vụ cơ bản.

6.3 Nền tảng nào có hệ sinh thái tích hợp tốt nhất?

Microsoft Azure có hệ sinh thái tích hợp tốt. Nhất là với các doanh nghiệp đang sử dụng các sản phẩm Microsoft khác.

6.4 Google Cloud có phải có khả năng tùy biến cao nhất?

Google Cloud Platform được đánh giá là có khả năng tùy biến cao nhất.

6.5 Nền tảng nào cung cấp dịch vụ AI/ML tốt nhất?

Google Cloud Platform cung cấp các dịch vụ AI/ML tốt nhất.

7. Kết

Khi lựa chọn nền tảng đám mây, không có một đáp án duy nhất “đúng” cho tất cả các doanh nghiệp. Câu trả lời phụ thuộc vào nhu cầu, ngân sách và đặc thù của mỗi tổ chức.

Tạm kết, AWS tự hào có phạm vi tiếp cận rộng rãi trên toàn cầu, cung cấp dịch vụ đa dạng, lý tưởng cho các tổ chức có nền tảng CNTT mạnh mẽ.

Trong khi đó, Azure vượt trội về khả năng tích hợp liền mạch với hệ sinh thái Microsoft. Đi kèm với khả năng bảo mật, Azure chính là lựa chọn hàng đầu cho doanh nghiệp thuộc mọi quy mô.

Cuối cùng, Google Cloud với thế mạnh về AI, học máy, lưu trữ và phân tích dữ liệu sẽ là câu trả lời cho các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhanh. Dù doanh nghiệp có mạnh về công nghệ hay không.

Mặt khác, ngày nay khi công nghệ không ngừng đổi mới, chiến lược đám mây lai kết hợp thế mạnh của các nhà cung cấp hàng đầu cũng là một lựa chọn không tồi.

Hà Lê

"Trong hơn 4 năm viết và sáng tạo nội dung ở mảng công nghệ, tôi tin rằng sức mạnh của ngôn ngữ không chỉ nằm ở khả năng truyền đạt thông tin. Mà nó còn tạo nên sự kết nối và nhiều tác động mạnh mẽ khác. Tôi luôn đặt mình vào vị trí của bạn đọc và cập nhật kiến thức công nghệ mới mỗi ngày với mong muốn đem đến những nội dung hữu ích, giá trị nhất!"

hotline icon